Trang sức ngọc trai có nguồn gốc như thế nào?

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Trang sức ngọc trai có nguồn gốc như thế nào?


Ngọc trai là loại trang sức vô cùng quý hiếm từ ngàn đời xưa đến nay. Vậy có bao giờ bạn tìm hiểu về nguồn gốc sự xuất hiện của trang sức ngọc trai chưa. Mọi người có thể tham khảo bài viết dưới để rõ hơn về nguồn gốc ngọc trai nhé.


Khắp mọi nơi trên thế giới có vô số câu truyện, truyền thuyết về sự ra đời của ngọc trai. Ở phương Đông, nhiều người vẫn cho rằng, ngọc trai được sinh ra từ những giọt nước mắt của thiên thần. Ví dụ như ở Sri Lanka, tương truyền khi bị trời đày, Eva và Adam đã khóc bên một thái hồ, nước mắt của Eva được loài trai ngậm phải sinh ra ngọc có màu trắng hồng và nước mắt của Adam sinh ra ngọc có màu xám đen.

Một số nơi khác người dân lại cho rằng, ngọc trai được sinh ra từ mưa hoặc sương sớm. Chẳng hạn như ở Ấn Độ, mỗi năm vào ngày thứ 16 trong tháng Nisam - mùa sinh nở của muôn vật, những con trai biển sẽ ngoi lên mặt nước mà đón những cơn mưa mát lành lắng tụ thành ngọc. Chúng ngậm ngọc rồi lặn sâu xuống biển.

Tại Hy Lạp, ngọc trai được sinh ra từ những giọt sương sớm nhỏ xuống đại dương, không tan đi mà lặn sâu xuống đáy.

Tại Iran, ngọc trai cũng từ sương và những viên ngọc bị khiếm khuyết được tin là do sấm sét trên trời khi đánh xuống đã khiến cho những hạt sương bị cọ sát, méo mó.

Ở Trung Quốc, ngọc trai là kết tinh của trí tuệ loài rồng biển và tự sinh trên đầu rồng. Phải đến tuổi trưởng thành, con rồng mới có ngọc và để bảo vệ ngọc, nó sẽ ngậm ngọc trong miệng.


Vì ngọc trai là bảo vật của rồng, hiện sinh của nước nên người Trung Quốc tin rằng khi đeo ngọc trai có thể chống được lửa cũng như giúp xua đuổi điều xấu ở biển. Thủy thủ, lính và những người hay lo ngại thường mang bên mình một viên ngọc trai hộ mệnh. Đặc biệt thợ lặn luôn mang theo ngọc trai nhằm tránh cá mập hay sinh vật biển xâm hại. Ngọc trai cũng có thể chữa bệnh. Chúng tỏa ra những tia màu cam mát lành có thể ổn định đường huyết, khai thông kinh mạch, làm thân thể sảng khoái, giảm sưng tấy cho người đeo.

Với ý nghĩa nước mắt thiên thần, ngọc trai cũng tượng trưng cho sự đa cảm và những nỗi thương đau. Những chiến binh Ấn Độ cổ đại thường khảm ngọc trai vào kiếm để thể hiện nỗi buồn khi phải cô độc một mình hay mất mát người thân. Ngọc trai trắng là biểu tượng của sự tinh khôi, thuần khiết và lòng thủy chung của người phụ nữ. Chúng cũng tượng trưng cho trí tuệ và sự đằm thắm. Ngọc trai cũng là biểu tượng của sự sinh nở. Khi một người phụ nữ sinh con trong đau đớn, thì con trai cũng vậy do nó tạo nên viên ngọc từ chính vết thương trên da thịt khi bị một vật lạ đâm phải. Kết quả là tuy có đau đớn nhưng cũng có niềm hạnh phúc. Theo truyện Ấn Độ, thần Visnu là vị thần sáng tạo nên thế giới, nhân ngày cưới của người con gái, Ngài đã tặng con một viên ngọc trai đầu tiên của trái đất và nó đã giúp bà sớm có con trai. Nhiều người Ấn Độ hiện nay vẫn tin rằng nếu đặt một viên ngọc trai dưới gối sẽ sớm có quý tử. Người ta cũng thường tặng ngọc trai cho cô dâu để mong cô có nhiều con cháu. Với người dân đa đảo, ngọc trai còn là biểu tượng của tình yêu. Khi trai gái tặng ngọc trai cho nhau thì đó là một lời ước hẹn trăm năm bền lâu.

Ngọc trai luôn được gắn với vẻ đẹp của phụ nữ

Vào thời La Mã, do ngọc trai quý hiếm, hoàng đế Julius Caesar đã phải quy định chỉ cho phép những phụ nữ có phẩm hàm cao cấp mới được đeo ngọc. Suốt một thời gian dài trong lịch sử cũng ít có phụ nữ nào có nhiều ngọc trai để đeo, ngoại trừ đó là công nương, quận chúa hay hoàng hậu. Phải tới khi châu gia Kokichi Mikimoto người Nhật Bản tạo được loại ngọc mang tên ông - ngọc trai Mikimoto vào các năm đầu thế kỷ 20 thì mới xuất hiện đại trà các chuỗi ngọc trai nhân tạo lấp lánh như ngày nay. Một người có công đưa ngọc trai lên đỉnh cao của nghệ thuật, là bà Coco Chanel, với việc cho ra đời những kiểu trang sức bằng ngọc trai gồm vòng, dây chuyền, nhẫn và ngọc đính trên mũ và áo.

Phương Thanh

0 nhận xét :

Đăng nhận xét